Cảnh báo tình trạng chiếm đoạt tiền bảo hiểm

(BKTO) - Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đối tượng thông đồng với người lao động đã nghỉ làm việc, không làm việc tại công ty, lập danh sách báo tăng, giảm cho người lao động thực tế không làm việc tại công ty được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện thanh toán, nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm.



                
   

Hành vi lập hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền bảo hiểm sẽ bị xử lý hình sự- Ảnh: ST

   

Thông đồng với người lao động để trục lợi tiền bảo hiểm

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Lan (SN 1987, trú tại phường Quang Trung, TP. Hải Dương), nhân viên Công ty Samil và 7 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, Trần Thị Thanh Lan vào làm việc tại Công ty Samil từ tháng 9/2009 đến ngày 28/2/2019, Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời gian làm việc tại Công ty Samil, Lan được lãnh đạo phòng hành chính nhân sự phân công phụ trách, theo dõi toàn bộ mảng bảo hiểm, thanh toán các chế độ bảo hiểm cho người lao động, lập quyết định chấm dứt hợp đồng lao động để lãnh đạo Công ty Samil ký với người lao động; xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm của người lao động...

Thời gian thực hiện công việc được phân công, Lan biết được trình tự thủ tục tham gia bảo hiểm, thanh toán các chế độ bảo hiểm. Vì thế, trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2016, Lan đã trao đổi, thỏa thuận và nhận tiền của hàng chục người lao động đã nghỉ làm việc, không làm việc tại Công ty Samil. Sau đó, lập danh sách báo tăng số lao động được tham gia bảo hiểm với BHXH tỉnh Hải Dương thông qua Công ty Samil để những người này đủ điều kiện được thanh toán tiền bảo hiểm chế độ thai sản sau khi sinh con. Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ 6 người lao động đã nghỉ làm việc tại Công ty Samil nhưng vẫn được tham gia bảo hiểm.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương còn phát hiện một số trường hợp không làm việc tại Công ty Samil nhưng vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm. Những người lao động đưa cho Lan tổng số tiền là 69.800.000 đồng để nhờ đóng hộ tiền bảo hiểm, thực tế là khoản tiền công, tiền thù lao hoa hồng mà người lao động phải đưa cho Lan trong việc Lan giúp họ được tham gia bảo hiểm thông qua Công ty Samil để đủ điều kiện thanh toán tiền bảo hiểm chế độ thai sản. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Hải Dương xác định, Lan đã tham gia chiếm đoạt của một số người lao động với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 1/2020, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với giám đốc và một nhân viên công tác tại BHXH huyện Cô Tô, Quảng Ninh đã có hành vi lập hồ sơ BHXH khống để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH một lần.

Qua kết quả thu thập tài liệu, cơ quan công an xác định từ tháng 3/2017 đến tháng 10/2019, Vũ Minh Tiến (36 tuổi, trú tại phường Hà Tu, TP. Hạ Long) là nhân viên bộ phận quản lý sổ thẻ và giải quyết chế độ chính sách đã lợi dụng sự thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của Giám đốc BHXH huyện Cô Tô là ông Dương Văn Đông (58 tuổi) để tạo lập khống hồ sơ BHXH cho 19 cá nhân (đều là anh chị em họ hàng và bạn bè của Tiến) trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan điều tra xác định Tiến đã chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng tiền trợ cấp BHXH một lần của 19 sổ BHXH giả mạo.

Chiếm đoạt tiền BHXH sẽ bị xử lý hình sự

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc chiếm đoạt tiền bảo hiểm được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. BHXH Việt Nam cũng đã từng chỉ ra, tình trạng người vi phạm lập khống, giả mạo hồ sơ làm căn cứ cho việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản nhằm chiếm đoạt tiền BHXH xảy ra khá phổ biến. Điển hình như, người vi phạm làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.

Người vi phạm còn thành lập DN “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng kí đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động phụ nữ có thai. Thực tế, họ không làm việc mà vẫn đăng ký đóng BHXH đầy đủ 6 tháng theo quy định. Người vi phạm lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH…

Để xử lý nghiêm các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của bộ Luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;... thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm...
KIM AN
Cùng chuyên mục
  • Nhiều địa phương nỗ lực phục hồi du lịch
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhiều địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch như tập trung thu hút khách du lịch nội địa, liên kết với các địa phương trong nước, giảm giá các tour cho du khách…
  • Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày nay, trẻ em tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm, nhưng môi trường này lại chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần những giải pháp tổng thể, từ truyền thống, áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần sự vào cuộc của lực lượng liên ngành, liên quốc gia, mọi cá nhân và các tổ chức chính trị - xã hội.
  • Bổ sung nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khẳng định nguồn NSNN là nguồn lực quan trọng và chủ động để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT), Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều quy định, NSNN bảo đảm cho hoạt động PCTT bao gồm: ngân sách hằng năm, dự phòng NSNN, Quỹ Dự trữ tài chính. Quy định này được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành.
  • Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai cơ quan đã nhất trí đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt, hai bên đã khởi động hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực dược.
  • Nhiều đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Cùng với những nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành BHXH đã có nhiều đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giúp kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch cho người dân, DN.
Cảnh báo tình trạng chiếm đoạt tiền bảo hiểm