Bình Định: Nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Định, sau 3 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý ổn định; tác động tích cực đến việc thực hiên chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai tại địa phương cũng cho thấy nhiều bất cập về chính sách cần sửa đổi, hoàn thiện.



                
   

BHXH tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức diễu hành tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH - Ảnh: BHXH tỉnh Bình Định

   

Đối tượng tham gia BHXH tăng hàng năm

Để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung quy định cuả Luật BHXH và đưa pháp luật về BHXH đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo các ngành xây dựng văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trực tiếp hướng dẫn, triển khai đến các DN, người lao động (NLĐ) để thực hiện, nhất là những nội dung quy định về chế độ, quyền lợi của NLĐ. Qua đó, nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về BHXH được nâng cao; ý thức chấp hành pháp luật BHXH của đơn vị sử dụng lao chuyển biến tích cực. Vì vậy, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật.

Trong đó, đối tượng tham gia BHXH ở các loại hình đều tăng hàng năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, tổng số lao động tham gia BHXH năm 2016 là 99.034 người, 9 tháng năm 2019 có 116.151 người tham gia, đạt tỷ lệ 13,92%; tỷ lệ đơn vị tham gia BHXH 9 tháng năm 2019 đạt 83,5%. Đây là kết quả tích cực, tạo tiền đề thuận lợi thực hiện hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh, BHXH Việt Nam giao năm 2019 (14,5%).

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi cũng được quan tâm, tỷ lệ người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng giai đoạn 2016-2019, bình quân đạt trên 85% so với tổng số người hưởng, trong đó tính đến hết tháng 9/2019 đạt tỷ lệ 86,3% (trong tổng số 28.711 đang hưởng lương hưu trợ cấp BHXH hằng tháng, nam từ 60 tuổi trở lên có 13.006 người, tỷ lệ 45,3%; nữ từ 55 tuổi trở lên có 11.782 người, tỷ lệ 41%).

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, từ năm 2016 đến nay, việc thực hiện chi trả các chế độ BHXH được cơ quan BHXH tỉnh thực hiện qua các hình thức: chi qua đại lý Bưu điện, tài khoản tiền gửi cá nhân (ATM) hoặc tài khoản của đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam về thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, BHXH tỉnh đã tuyên truyền vận động người hưởng nhận chế độ BHXH qua tài khoản ATM với nhiều tiện ích, qua đó số người nhận chế độ qua tài khoản ATM tăng hàng năm. 9 tháng năm 2019 có 12.917 người nhận chế độ BHXH thường xuyên hàng tháng qua ATM, chiếm tỷ lệ 45% tổng số người hưởng BHXH thường xuyên hàng tháng.

Vẫn phát sinh nhiều bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai các nội dung quy định của Luật BHXH trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nên chưa quan tâm đến việc đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ; công tác rà soát, nắm bắt tình hình DN, địa phương chưa sâu sát, chưa bám sát đối tượng để khai thác… dẫn đến số lượng và tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng.

Đặc biệt, đối với một số quy định mới theo Luật BHXH năm 2014, qua thực hiện phát sinh nhiều bất cập. Theo đó, từ ngày 01/01/2018, công thức tính lương hưu có thay đổi về cách tính tỷ lệ hưởng và cách tính giảm trừ tỷ lệ đối với NLĐ nghỉ hưu trước tuổi quy định (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%); quyền lợi của lao động nữ bị thiệt thòi hơn so với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018.

Hơn nữa, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp NLĐ không chuyên trách ở cấp xã và lao động nữ hoạt động chuyên trách và không chuyên trách ở cấp xã. Quy định này bất cập vì Luật BHXH đã quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho các nhóm đối tượng (hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác). Tuy nhiên, mức hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo và 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo nhìn chung còn “khiêm tốn”, chưa khuyến khích người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách BHXH, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định kiến nghị, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng (trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung); sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách BHXH. Bên cạnh đó, Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương xem xét tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện.

Mặt khác, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Đồng thời, HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động, qua đó có kiến nghị chỉ đạo xử lý các đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
Bình Định: Nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội