Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già

(BKTO) - Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này không ít người trong số họ đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống sau này.



Điểm tựa tuổi xế chiều

BHXH tự nguyện được ví như “điểm tựa” cho những người lao động tự do khi về già. Tham gia BHXH tự nguyện người lao động được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Với mức tham gia thấp nhất chỉ hơn 100.000 đồng/tháng, khi tới tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ nhận lương hưu hàng tháng gấp hơn 4 lần mức đóng. Mặc dù, BHXH tự nguyện hiện nay chỉ gồm có hai chế độ là hưu trí và tử tuất nhưng loại hình bảo hiểm này vẫn được coi là sự lựa chọn đúng đắn đối với những người lao động tự do, công việc không ổn định.

Chị Lê Thị Thúy (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội), làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động, nên không thuộc diện được đóng BHXH bắt buộc. Song, chị luôn mong muốn tham gia chính sách này để có khoản tiền lương hằng tháng khi tuổi cao, sức yếu. Theo chị Thúy, trước đây nghe bạn bè kể về chính sách BHXH tự nguyện, chị cũng muốn tham gia nhưng vì chưa tìm hiểu kỹ nên không biết đóng ở đâu, hình thức đóng thế nào? Tuy nhiên, một đến phường xử lý việc gia đình, chị được biết phường có đại lý thu bảo hiểm theo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Sau khi tìm hiểu kỹ về chính sách BHXH tự nguyện, đầu năm 2019, chị Thúy đăng ký tham gia với mức đóng 600.000 đồng/tháng. “Tham gia BHXH tự nguyện sau này tuổi già sẽ có lương hưu, hoặc nếu chết người thân sẽ được nhận tiền tuất. Đặc biệt, mức đóng hàng tháng cũng thấp hơn nhiều so với bảo hiểm thương mại, chưa kể còn được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng. Đây là giải pháp mà người lao động tự do nên chọn để an tâm hơn khi bước vào tuổi xế chiều” - chị Thúy chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hải Yến (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) sống bằng nghề buôn bán nhỏ tại nhà, chồng hành nghề lái máy xúc nên cả hai chưa có BHXH. Mới đây, được nhân viên BHXH tuyên truyền, chị Yến cùng chồng đã tham gia BHXH tự nguyện. Nhận thấy đây là chính sách rất tốt, mang ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần, chị tích cực vận động anh em, bạn bè cùng tham gia. Chị Yến tâm sự: BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn của Nhà nước, giúp lao động tự do tích lũy, sau này được nhận lương hưu, có bảo hiểm y tế. Khi về già, tiền lương không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là điểm tựa có ý nghĩa rất lớn về tinh thần, giúp mình an tâm, sống vui vẻ, không phụ thuộc vào con cháu.

Cần tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chị Thúy và Chị Yến chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người dân Thủ đô đã tham gia BHXH tự nguyện. Thống kê của BHXH TP.Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn thành phố có gần 45.000 người tham gia BHXH tự nguyện và dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội có khoảng 46.000 người tham gia, tăng 30% so với năm 2019. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng BHXH tự nguyện tại địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, số người thma gia BHXH chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội, thời gian qua, một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến “khoản để dành” khi tuổi già, đặc biệt do họ chưa hiểu rõ về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện nên còn e ngại khi tham gia. Vì vậy, để chính sách đi sâu vào đời sống, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách cần được tăng cường; hệ thống đại lý thu BHXH cùng mạng lưới cộng tác viên cần được quan tâm mở rộng, phát triển.

Ngoài ra, hiện nay mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; thời gian đóng để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên), nên chưa thu hút, khuyến khích được đông đảo người dân tham gia, nhất là lao động làm nông nghiệp, làm công việc tự do... Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu và tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Theo dự kiến, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.

BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
  • Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trường đại học vẫn được ví là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới, các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tự chủ, cần quan tâm và có chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học.
  • Bắc Kạn: Nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Năm 2019, tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn âm. Năm 2020, tính đến tháng 10, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cũng chưa đạt so với kế hoạch; thậm chí, số người tham gia BHXH bắt buộc đang có chiều hướng giảm mạnh.
  • Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng giành giải Nhất cuộc thi Startup Kite
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Chiều 24/11, lễ trao giải Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (Startup Kite) năm 2020 và lễ bế mạc Ngày hội quốc gia khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020 đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
  • TP. Hà Nội: Quyết liệt thu hồi, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Hội tình trạng các DN chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn diễn ra phổ biến. Trong tháng cuối năm 2020, BHXH Thành phố sẽ tập trung đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra (TTKT) các đơn vị nợ BHXH, với quyết tâm giảm nợ đọng xuống mức thấp nhất, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).
  • Bước tiến trong chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa tổ chức Lễ công bố "Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động". Việc đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, quốc gia số hiện nay. Nhân dịp này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã có những chia sẻ với báo chí về những thay đổi mạnh mẽ của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già